Uớc mơ của Văn đã thành sự thật. Văn đã có một mái ấm gia đình, một người vợ biết lo toan. Nhưng rồi cũng như mọi vật trên trái đất này đều biến hóa, đổi thay, suy nghĩ của con người cũng ngày theo ngày biến đổi. Cái hạnh phúc nóng bỏng của những ngày đầu chung sống cuộc sống vợ chồng với Kim cứ nguội dần, nguội dần trong Văn tựa như thanh sắt nung hồng của người thợ rèn ngâm trong chậu nước lạnh. Văn nhận ra cuộc sống của mình tẻ nhạt, đơn điệu, ngày này qua ngày nọ cứ thế mà trôi, cứ thế mà lập đi lập lại những gì đã có. Nhiều lần Văn tự hỏi: “Chả lẽ cuộc sống một dời người chỉ có vậy thôi sao? Cuộc sống chỉ là miếng cơm manh áo thôi sao? Cuộc sống còn phải có thêm một cái gì khác nữa chứ?” Và, trong Văn lại hiện lên hình ảnh của đám người lố nhố, lủng củng với trăm thứ hàng họ ở ngoài sân bay quốc tế Nga năm nào. Tội nghiệp ! Cũng một đời người! Vì miếng cơm manh áo người ta đã phải quên đi nhiều thứ ở trên đời mà đáng lẽ ra người ta có quyền được hưởng và được ban cho người khác. Cái lỗi chính của Văn là anh nhìn đời thật nông cạn, và đến khi anh đã nhận ra lỗi lầm của mình rồi thì lại không có đủ can đảm để thay đổi cách nhìn đó.
Mối quan hệ với người tình trong những ngày anh còn ở bên Nga đã giúp anh mở rộng tầm mắt. Lớp sương mù dày đặc năm nào đã tan biến đi. Anh tự nhủ : “Phải khơi lại dòng đời”. Muốn cho dòng đời của anh và Kim chảy sôi réo, chảy cuồn cuộn, phải khơi lại con sông, đào xới lên những gì đã làm cho lòng sông chật hẹp.