Từ lúc tên thanh niên trở về, mẹ sinh động hẳn lên. Bà nói cười luôn miệng, đi lên đi xuống lăng xăng, hôm nào cũng sai bà Tư đi chợ lựa những tảng thịt bò ngon nhất, làm “B”để bà hầu hạ cục cưng. Tuyết ban ngày vẫn thường đến với tôi, mẹ chẳng những không tránh mặt mà còn tỏ ra đồng lõa nữa. Nhiều hôm tôi lười biếng đi đón. Tuyết phải gọi xích lô tự mò đến. Vừa thấy nó từ cửa bước vào bà đã đon đả:
– Tú nó chờ con trên phòng, con lên với nó đi.
– Bác hôm nay trông tươi mát quá, chắc có chuyện vui.
Mẹ nháy mắt, đĩ thõa:
– Ừ, vui lắm.
Rồi quày quả đi nhanh đến nhà kho. Ban ngày “Anh chị”quần nhau ngoài đó, vì sợ ba bắt gặp. Thật ra, tôi nghĩ mẹ cũng chẳng còn sợ vạ gì ba. Mỗi người nay đã có một con đường, một đối tượng, thâm tâm họ chỉ mong “địch thủ”sa đọa càng nhiều càng tốt. Kẻ này hư hỏng thì kẻ kia mới có cớ để “noi theo”, không được quyền nhân danh đạo đức để trách ai.
Chỉ có một điều duy nhất cố giữ là tìm mọi cách để tiếng xấu dừng lọt ra ngoài. Đối với mọi người gia đình tôi là một gia đình mẫu mực, kỷ cương, để mọi người làm khuôn thước noi theo!
Nhưng ba không vờ vịt giả mù giả đui mải được. Khi thấy bụng mẹ ngày càng to. “Tác phẩm”này dĩ nhiên là của gả thanh niên. Một hôm tôi nghe lén được cuộc đối đáp của ba mẹ ở phòng đọc sách.
Tiếng ba:
– Cô tính thế nào? Phá hay giữ?
Tiếng mẹ:
– Tại sao phá? Con tôi, tôi đẻ, việc gì đến anh?
– Nghĩa là thế nào? Tôi phải gọi nó bằng con và nó sẽ gọi tôi bằng bố?
– Nếu anh muốn thiên hạ đừng dị nghị thì như thế đã sao?
– Tôi muốn ly dị.
– Tùy anh.
– Thằng Tú ở với ai?
– Nó chẳng cần tôi và anh đâu. Không sớm thì muộn nó cũng sẽ ra khỏi nhà này.
– Được rồi, chuyện đó tính sau, bây giờ cô hay tôi đứng đơn?
– Ai cũng được, anh làm tôi ký, tôi làm anh ký. Giống nhau cả mà.
Mẹ nói xong ta khỏi phòng, lên lầu. Tôi nấp sau cánh cửa, theo dõi xem thái độ của ba như thế. Tôi suýt bật kêu: Bà Tư cũng đã từ bao giờ nấp sau một tủ sách cao. Bà ta bước ra. Đến trước mặt ba:
– Tôi xin lỗi đã nghe lén chuyên của ông bà.
– Chị. . . Chị. . . Ai cho phép chị vào phòng này?
Bà Tư đưa xấp giấy đang cầm trên tay cho ba:
– Ông chủ đọc cái này. Đọc xong, chúng ta sẽ nói chuyện.
– Cái gì đây?
Ba kêu lên kinh ngạc, bà Tư giục:
– Ông chủ đọc đi.
Ba cầm xấp giấy, một tấm hình bọc nylon rớt xuống đất. Ông nhặt lên. Bỗng thốt kêu:
– Ồ. . . Ồ. . . Tại sao bà có hình ba tôi?
– Ông chủ đừng hỏi nữa cứ đọc xong xấp giấy kia sẽ hiểu hết.
Tôi nhận thấy toàn thân lạnh toát. Ba không hiểu, chưa hiểu, nhưng tôi thì hiểu.
Người đàn ông tên Tường trong hình là ông nội tôi. Là “thằng bạn”của “tên ăn mày”. Chuyện đó rõ như ban ngày.
Nhưng ông đâu phải tên Tường? Trần Mạnh Tường? Và ba nữa, ba cũng đâu phải tên Phan? Bây giờ tôi mới biết bà Tư quả có một thần cảnh giác rất cao, khi cao hứng kể chuyện cho tôi nghe, bà đã không quên thay đổi hai tên họ này để tôi khỏi nghi ngờ. Dù tài thánh tôi cũng không làm sao biết được. Và bây giờ điều tôi thăc mắc nhất. Một người như bà Tư tại sao lại xuống dốc đến độ phải đi ở đợ cũng đã sáng tỏ như đèn ôtô. Kết hợp mọi dữ kiện tôi không khó khăn gì tìm ra “Lôgích”của câu chuyện. Bà Tư gặp chị Hai trên xe lam, chị Hai tình cờ nhìn thấy tấm hình (chị nó đúng ngày nào chị chị cũng quét dọn trên bàn thờ làm sao không nhận ra hình ông nội tôi?) Nắm được đầu mối, bà Tư theo dõi tìm mọi cách lọt vào nhà tôi, rồi nhân cơ hội chị Hai bị đuổi, bà xin vào thế chỗ. Mấy tháng “nằm vùng”bà ta nắm hết mọi “yếu huyệt”của chúng tôi. Hôm nay, thấy thời cơ đã chín mùi, bèn ra tay.