Một đám trẻ con cũng khoảng năm, sáu đứa rồng rắn nối đuôi nhau mang lồng đèn ra cùng nhau đi lượn lờ từng nhà quanh xóm. Thủ tục đầu tiên của bọn trẻ con háo thắng là đọ xem lồng đèn đứa nào to nhất, đẹp nhất, thậm chí mắc nhất. Sau đó đứa hí hửng, đứa lại buồn hiu khi từng kết quả và phán xét của cả đám đưa ra cho từng chiếc lồng đèn của cả bọn trẻ chúng tôi. Nghĩ lại giờ đây thấy thật nực cười vì tính con trẻ này.
Dù lồng đèn đứa nào đẹp nhất hay xấu nhất thì chúng tôi cũng chẳng cần quan tâm nữa mà chỉ biết hòa nhịp cùng hát vang bài hát cho đêm trăng này “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”. Chúng tôi luôn có điểm dừng chân quen thuộc là một góc nhỏ trong sân của ban tự quản khu xóm. Sau đó mỗi đứa gom góp lại với nhau những cây nến, đốt thành một vòng tròn thật to rồi cùng nhau hát các ca khúc thiếu nhi thời bấy giờ. Những tiếng hát không tròn vành, không đúng lời đúng nhịp hoàn toàn nhưng trong trẻo và thánh thiện lắm. Nếu thật sự có chị Hằng và chú Cuội và nếu có thể nghe, nhìn thấy chúng tôi đùa vui, ắt hẳn sẽ phải bay xuống đây cùng chung vui rồi.
Tâm sự ước một vé về tuổi thơ để vui Trung thu
Nói về những chiếc lồng đèn, trẻ con thời bây giờ nếu không có đủ tiền để mua lồng đèn điện tử thì cũng có được chiếc lồng đèn giấy, còn bọn tôi ngày xưa chiếc lồng đèn điện tử là cái gì đó cao sang, đắt giá và cũng quá xa xỉ với lũ trẻ con nơi xóm nghèo này. Có những mùa trung thu không có được chiếc lồng đèn từ phố mua về dù chỉ là lồng đèn giấy thì chúng tôi lại không quên chuẩn bị những chiếc lồng đèn handmade. Sau những buổi học về, quẳng chiếc cặp ở một góc nào đó, bọn tôi hí hoáy gọi nhau cùng nhau làm những chiếc lồng đèn mà sau này dù cho cuộc sống sẽ biến đổi như thế nào đi chăng nữa những chiếc lồng đèn này và ánh sáng của ngọn nến trong đêm trăng sẽ mãi là hoài niệm, mãi không xóa nhòa.