Ông Bảy năn nĩ hồi lâu vẫn không được, đưa tiền tài ra dụ dỗ thầy Năm vẫn không xong, cuối cùng ông chỉ đành dùng khổ nhục kế hòng để thuyết phục thầy. Ông quỳ xuống, hai tay chấp lại xá xá mấy cái trước mặt thầy Năm:
– Thầy ơi, thầy làm ơn cho con đi thầy. Người ta nói “Cứu một người hơn xây bảy tháp phụ đồ” mà thầy. Thầy có tấm lòng “Cứu nhân độ thế”, xin thầy cứu giùm thằng già bất lực này, đi thầy !- ông năn nỉ ôi giống như một kẻ ăn mày van xin từng đồng bạc lẻ.
Thầy Năm lúc đầu còn chống chế, nhưng sau đó thấy ông Bảy nước mắt ràn rụa thì không còn kiềm lòng được nữa. Thầy bước tới đỡ ông Bảy dậy rồi nói :
– Tôi biết quyết định của tôi bây giờ là có thể nguy hại cho tính mạng của tôi. Nhưng tôi đã quyết định giúp ông mặc cho tôi có điều gì đi nữa. Đó cũng là nghiệp chướng của ông và duyên nợ của tôi – Thầy Năm giọng rầu rầu, ngừng một lát rồi nói tiếp – Ông chờ tôi đốt mớ giấy vàng mả cho mấy nấm mộ hoang sau nhà rồi tôi đi với ông.
Thầy Năm gom hết đồ nghề bỏ vào túi vải “càn khôn” rồi quảy lên vai bước ra ngoài. Thầy nhìn lại căn nhà ọp ẹp của mình một lần nữa. Lần này đây thầy có linh tính chuyện không hay lắm sẽ đến với thầy.
Rước thầy Năm về đến nhà, ông Bảy tất bật làm hết mọi chuyện theo lời thầy Năm dặn. Ông chặt hết các bụi cây xung quanh nhà. Gom lại thành một đống to và đốt hết. Ông chuẩn bị một thùng dầu hôi. Một sấp bùa ngãi lấy ra từ túi vải và dán ngay ngắn chung quanh nhà. Bà Năm thì lo lay hoay lập đàn làm phép ở sân sau. Thầy hoàn toàn không biết là gò đất cao cao ở ngay góc vườn là nơi chôn xác của Mận. Thầy đặt ly nước lên bàn rồi đưa ngón tay trỏ ra vẽ vẽ trên mặt ly chữ “Phục” bằng ngôn ngữ của riêng thầy. Xong xuôi, thầy uống một ngụm nước trong ly rồi phun một cái “phèo” lên đàn. Thầy đảo mắt một vòng để định rõ khu vực chung quanh. Lúc này là xế chiều nhưng thầy thấy chung quanh tràn đầy âm khí. Thầy lấy một cái hộp nho nhỏ trong túi “càn khôn” bằng vải ra soi soi. Thầy đưa tay lên bấm độn trong khi miệng lẩm nhẩm. Bỗng thầy lên tiếng ra vẻ hiểu biết:
– Quả nhiên là lợi hại !