Tám Hoạnh lấy lại tư thế, cất giọng lè nhè. Ba Bình biết ngay đó chỉ là cử chỉ giả bộ say rượu để che dấu nỗi hổ thẹn:
-À! . . . Ba Bình. . . có chuyện chi vậy mậy? chuyên chi mà đến giữa lúc đang mưa gió thế này hả?
Nỗi lo đã nén sự bực bội, ba Bình nén thở, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập:
-Anh cho báo động ngay, ra cứu đập Tắc Bầu Sấu.
-Bầu Sấu là việc của mày. Mày phải ráng mà lo.
-Nguy rồi! nước triều lên mạnh đúng lúc mưa to. Anh cho xuất cừ tràm(cây cọc bằng thân cây tràm để giử đất) và huy động lực lượng ra gấp. Sóng đánh sạt mất một mảng rồi.
Tám Hoạnh hạch xách:
-Lấy đâu ra cừ tràm? Đập do mày đắp, làm ẩu bể ráng chịu.
Ba Bình lo lắng, van vỉ:
-Bảo lớn quá, nước triều mạnh. . . . Trời làm vậy đâu phải em. Anh Tám! anh cho người ra cứu. Chậm nửa e không kịp
Tám Hoạnh dằn mặt ba Bình một lúc rồi mới ra lệnh cho Hải Cóc:
-Đánh kẻng báo động đi! bảo tư Côn xuất số cừ tràm bữa trước loại ra để ở sau nhà bếp ấy.
Hai trăm con người đang co ro trong các lán dột nát để chống chọi với cái lạnh đã bật dậy vội vả lao ra dưới màn mưa. Những cây tràm khẳng khiu bị loại ra làm củi, lại được chuyền tay nhau ra sân.
Mưa vẫn quất xuống ào ạt.
Dòng người bì bỏm lội trong bùn nước, men theo bờ bao mỏng manh đến chổ bờ đập sắp vở. Đoàn người dàn ra vặn vẹo những cây cừ xuống những mảng đất đang rã rời trong nước rồi lập thành những dây chuyền dài chuyển đất. Xung quanh đều là nước ngập, móc đất từ đáy nước lên, hòn đất chưa đưa khỏi mặt nước đã tan ra quá nửa.
Bất chấp mưa gió rét buốc, mọi người cố gắng chống chọi níu kéo niềm hy vọng cuối cùng. Tất cả nguồn sống của nông trường trông vào bờ đập này. Nếu đập vỡ, nước mặn tràn vào vùng hồ nuôi tôm, nuôi cá, toàn bộ sản lượng sẽ mất trắng.