Vợ chồng lại phải khăn gói đến nhà cô giáo chủ nhiệm nhờ vả cô chú ý và phối hợp với trung tâm giáo dục, uốn nắn con hòa nhập với các bạn. Thời gian đầu xót xa lắm, khi đi học với các bạn bình thường mới thấy con mình khác xa quá, cảm thấy hụt hẫng và thương con vô cùng. Đàn ông như tôi mà lắm lúc đưa con đi học đã không kìm nén được cảm xúc phải chạy ra góc trường khóc tu tu một mình.
Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện lên trong đầu: Liệu con mình có phát triển như đứa trẻ bình thường? Con có hòa nhập được với các bạn hay không? Con ăn ra sao, có biết gọi cô khi có nhu cầu hay không? Lúc đó tôi cảm thấy tuyệt vọng kinh khủng, rồi lại tự nhủ lòng mình phải cứng rắn để làm chỗ dựa cho vợ cả về tinh thần và vật chất. Thời gian này ngày con đi học như các bạn, chiều tôi lại đón về trung tâm tiếp tục can thiệp điều chỉnh, uốn nắn những hành vi bất bình thường.
Nhờ ơn ông trời, thời gian học mẫu giáo nhỏ rồi cũng trôi qua, sau một năm con đã tiến bộ rất nhiều. Theo tôi đánh giá đã có thể đạt được 60-70% đứa trẻ bình thường. Đến năm mẫu giáo nhỡ vợ chồng tôi nhận thấy việc hòa nhập của con đã ổn nên quyết định dãn dần số buổi cho con học tại trung tâm, trước 3 buổi mỗi tuần thì giảm xuống một tuần chỉ học cả ngày thứ bảy. Sau đó vợ chồng tôi quyết định cho con học hoàn toàn tại trường mẫu giáo công vì không muốn con tiếp tục tiếp xúc nhiều với các bạn mắc chứng bệnh tự kỷ khác, bởi nhận thấy rằng trẻ con học cái xấu của bạn rất nhanh.