Trong chuyến hành trình, điều khiến tôi nhớ nhất là đêm giao lưu sinh hoạt cùng người dân tộc K’Ho Lạch dưới chân thung lũng vàng. Trong lễ hội, chúng tôi uống rượu cần, ăn cơm cùng người bản địa. Không khí mỗi lúc trở nên sôi động, dưới ánh lửa bập bùng, dòng người hòa mình vào trong từng điệu nhảy, cất lên lời ca tiếng hát giữa núi rừng. Buổi giao lưu thật ấm cúng, khiến khoảng cách giữa người miền xuôi hay miền ngược, người Kinh hay dân tộc thiểu số không có sự phân biệt, tất cả như anh em sống chung trong một mái nhà.
Đến thăm Đà Lạt, tôi đã được đi nhiều nơi, nghe nhiều câu chuyện kể về người bản xứ. Hình như trên vùng đất này, từng ngọn thông, dòng suối hay một bản làng đều gắn liền với câu chuyện kể. Đó là chuyện tình của nàng Lang và chàng Biang, những căn nhà ma, hay dinh thự của vua Bảo Đại… Dù biết rằng có một số câu chuyện gắn liền với chiến tích của thời hoa lửa, cũng có nhưng câu chuyện là truyền thuyết do người đời thêu dệt, nhưng dù sao mỗi một phong cách thể hiện đều tạo nên nét riêng của Đà Lạt, không nơi nào có được.
Ở Đà Lạt, khi màn đêm buông xuống, những ai được gọi là đấng mày râu thường đến các quán ven đường lai rai vài chén. Tôi chưa có vợ, nhưng các anh trong đoàn có gia đình hẳn hoi, biết đánh lẻ sẽ bị mấy “chị hai” cằn nhằn nhưng vẫn phải đi. Việc lén đi không phải chúng tôi ham nhậu nhẹt gì, mà đi để thưởng thức cái men nồng của rượu Đà Lạt, cái lạnh về đêm của xứ sương mù, coi thử có gì khác so miền xuôi, để về còn tâm sự với bà con.