Có thể nói, ở một góc độ nào đó anh đúng là có tài hơn người thực sự, chỉ tiếc nó được sử dụng vào mục đích xấu. Càng sống chung và tìm hiểu về Phật giáo, về đạo lý làm người, tôi càng thấy sợ; sợ cách anh làm ăn, cách anh sống giả tạo và hình thức với mọi người. Bề ngoài thơn thớt nói cười mà sau lưng anh khinh thường, chửi rủa tất cả như là họ ngu, dốt nát lắm nên mới bị anh lừa.
Dần dần trong các vụ làm ăn, anh dang tay ra ôm nhiều cô gái trẻ đẹp, nóng bỏng. Tôi vẫn như bà hoàng, với điều kiện phải biết giữ im lặng dù anh có làm gì bên ngoài đi chăng nữa. Tôi nhìn con trai lớn lên mỗi ngày, sợ con sẽ giống bố, sợ con sẽ phải chịu những “quả” mà bố nó gieo. Tôi nói thẳng tất cả những suy nghĩ ra với chồng, bảo anh tôi không muốn một cuộc sống giàu sang bằng những đồng tiền không trong sạch vì chúng làm tôi khổ tâm quá. Chồng tức giận, nói nếu không có những đồng tiền đó tôi cũng không lấy anh, anh muốn tôi cứ an phận thủ thường, chăm con, ăn sung mặc sướng và quên đi những thứ đạo lý “vớ vẩn” đó.
Tôi dần rơi vào trạng thái trầm cảm, gia đình tiếp tục sóng gió. Anh ngày càng có thêm nhiều bóng hồng vây quanh và lạnh nhạt với vợ. Ba năm sau, tôi quyết định ly hôn vì không thể chịu đựng thêm được nữa. Tất cả bạn bè, gia đình đều ngỡ ngàng vì không ai biết chuyện gì thực sự đã xảy ra. Tôi giành quyền nuôi con vì không muốn con giống như bố nó. Tôi đi làm, kiếm tiền, bằng vốn tiếng Anh và kiến thức khi học tại nước ngoài khi xưa, tôi đủ sức nuôi con và sống cuộc sống thanh thản. Tiền trợ cấp anh gửi cho con tôi không tiêu một đồng nào mà dùng để làm từ thiện hết, coi như trả nợ đời cho chồng, được chút nào hay chút đó.