Bà Hội Đồng càng lúc càng run ray, lệ tuôn trào ra mờ cả 2 mắt. Bà cố bình tỉnh hỏi con dâu:
– Má muốn biết ba má có cho con kỷ vật nào không vậy mà?
– Dạ có. Lúc sắp lên xe hoa, tía con có tặng cho con một sợi dây chuyền và cái mề đai cẩm thạch để làm kỷ niệm.
– Đâu… Sợi dây chuyền đâu. Con cho mẹ xem được không?
– Dạ… Để con vào lấy ra mẹ xem.
Bà Hội Đồng nhận sợi dây chuyền xem qua, hai mắt nhoà lệ, miệng lưỡi lẩm bẩm rên rỉ:
– Đúng rồi… Trời ơi! Đúng nó rồi. Tôi đâu thể lầm lẫn được.
Bà Hội Đồng vụt ngã ra ngất xỉu. Đến lượt Lành hốt hoảng lăng xăng xoa dầu cạo gió, giật tóc mai cấp cứu cho bà mẹ chồng. Một lúc sau, bà Hội Đồng tỉnh lại. Bà ôm Lành vào lòng nức nở, nghẹn ngào bà nấc thành lời:
– Con của mẹ… Ôi oan nghiệt tương báo mà… Lành ơi, Con ơi… Mẹ đâu ngờ số phan đã trớ trêu cắc cớ như thế này.
Hai mẹ con họ ôm nhau khóc mùi mẩn dù mỗi người đang mang một tâm trạng khác nhau. Lành cũng được mẹ kể cho nghe về chuyện quá khứ oan nghiệt đau buồn.
Đã từ 3 tháng nay suốt dọc bãi biển Long Hải dân đánh cá và đám trẻ nhỏ hiếu kỳ thường bắt gặp một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, ăn mặt xốc xếch đi lang thang lúc cười lúc khóc. Có lúc ông ta ngồi trầm ngâm bên gộp đá trước một cái miễu miệng lẩm nhẩm như đang trò chuyện với người vô hình.
Sau đó người đàn ông moi trong túi ra tờ giấy hoen ố, nhàu nát đưa lên đọc thật lâu. Đọc xong lại khóc và kêu không rõ lời:
– Nó đó… Nó là thằng tội lỗi, thằng loạn luân.
Và tiếp đến là những tiếng đấm ngực thùm thụp mà người ta cứ ngỡ người đàn ông mất trí vì oán hận một kẻ nào khác. Chỉ duy nhất có một người phụ nữ trẻ là hiểu và cảm thông sâu sắc với kẻ bệnh tâm thần.