Lời than của thầy Mười làm San chột dạ, thì ra trong môn phái còn nhiều rắc rối mà chàng không biết! Phải thú thực, sau mấy năm theo thầy Tư tu học, tới giờ này San cũng rất mù mờ về các vị sư phụ tiền nhân.
Hình như mọi người đều cố ý không cho các đệ tử biết nhiều về gốc gác của mình. Điều này quả thực là bất thường, chàng vẫn thắt mắc từ trước tới giờ nhưng không dám hỏi. Bởi vậy, ngay từ hồi chưa được xuất sư, San đã âm thầm truy lùng tông tích các vị tiền sư và nguồn gốc môn phái.
Hôm nay vô tình nghe lời than của thầy Mười, chàng đoán ra một sư việc mới.
– Này thầy San, tôi hỏi thực thầy một điều.
San ngừng ăn ngước lên nhìn thầy Mười.
– Dạ, thầy muốn hỏi chi ạ?
Thầy nhắm đã học được bao nhiêu nghề của thầy Tư rồi?
San mỉm cười.
– Con nghĩ may ra được gần phân nửa.
Thầy Mười cười lớn.
– Thầy đừng có hù tôi. Nếu tay ấn của thầy chỉ bằng phân nửa thầy Tư thì không lý thầy Tư ngang cơ với Sư Tổ sao?
San lắc đầu thực thà nói:
– Con không dám nói láo với thầy đâu, sự thực là như vậy đó.
Nghe San nói, thầy Mười im lặng, chàng nhìn thấy rõ nét ưu tư hằn lên những đường nhăn trên khuôn mặt thầy Mười, ông thở dài.
– Hơn 40 năm theo Sư Tổ học đạo trên núi, giờ này tôi mới biết mình bị lừa?
San giáo hoảng, hỏi:
– Thầy nói như vậy nghĩa là làm sao ạ?
Thầy Mười nói nho nhỏ, chỉ đủ San và Hoa nghe.
– Sự thực thì sư phụ và Sư Ông tụi tôi mãn phần rất sớm, Sư Tổ là người truyền thụ pháp thuật cho mọi người. Cũng vì Sư Tổ sống trên trăm tuổi, nên sức người cũng yếu rồi, không luyện được nhiều bửu bối bằng Sư Ông. Trong khi đó, ngày Sư Ông mãn phần, thầy Tư là người được Sư Ông quý mến nhất, tôi tin là không có món nào của Sư Ông mà thầy Tư không học được. Còn tôi được Sư Tổ yêu mến thì lại bị Sư Ông ghét cay ghét đắng, chỉ vì tôi ưa luyện phép tà ma hơn là đọc kinh kệ.