Khải đứng lên, mang theo gạo và xoong đi ra suối. Sơn đã nướng cá xong, anh lấy giấy, gói những con cá nướng để cạnh bếp lửa rồi đứng lên, đi sang hố đào của nhóm ông Bảy. Ở đây, Quang vẫn ngồi ôm đầu bên cái hố đã chôn sống bốn người – trong đó có anh ruột cậu ta. Ông Bảy đang lúi húi nấu cơm. Nhìn Sơn, ông khẽ gật đầu rồi cuối xuống thổi lửa. Chỉ qua một biến động mà ông Bảy như già hẳn đi. Ông bó gối ngồi nhìn bếp lửa với đôi mắt âu sầu, mệt mỏi.
– Chú ngồi xuống đây.
Sơn bước lại, ngồi xuống cạnh ông Bảy.
– Giờ bác tính sao? Anh hỏi.
Ông Bảy thở dài ngao ngán :
– Còn tính sao nữa! Về thôi! Ngán quá rồi!
Họ ngồi im lặng. Một lúc sau ông nói nho nhỏ :
– Thiệt là bạc đầu còn dại!… Đâm đầu vô chốn rừng núi để mong làm giàu. Sao mà tôi ngu thế không biết!
Sau câu nói chua chát, ông quay sang phía Sơn ân cần :
– Chú là người tử tế, tôi mới nói… Ở đây chỉ mang vạ vào thân. Chỉ có bọn buôn bán đầu nậu là làm giàu. Còn như tụi mình mang được xác về là may mắn lắm rồi! Về luôn với tụi tôi đi. Rồi kiếm nghề khác mà mần ăn.
Sơn trầm ngâm trước những lời nói chân thành của người nông dân già. Nhưng chính trong phút đó trong anh bỗng thoáng hiện lại những hình ảnh câm lặng : Đó là khuôn mặt đểu giả của vợ chồng Bảy;tiếp đến là khuôn mặt của Kim Anh với đôi mắt đau khổ giả tạo khi thông báo với anh cô đi lấy chồng;rồi khuôn mặt đứa em gái giờ đây lưu lạc nơi nào không biết sống chết ra sao…
“Trở về ư? Nhưng về đâu? Mày làm gì trong cái xã hội đã quay lưng với mày? Đã trót đâm lao thì phải theo thôi. Theo cho đến cùng, rồi ra sao thì sao. Mà tụi nó có cho mày yên ổn trở về không? Vì như vậy là bỏ cuộc, là vi phạm luật chơi, là phản bội. Chúng nó sẽ không chịu!… Trở về ư? Nhưng về đâu? ”
Cái điệp khúc buồn bả ấy cứ vang lên. Sơn quay sang ông Bảy. Anh khẽ lắc đầu với ánh mắt đăm chiêu :
– Cảm ơn bác! Nhưng cháu không thể trở về được!