Thế giới văn chương của nàng đi từ Duras đến Garcia Marquez, Kundera, rộng hơn thế giới thơ còn ngừng ở Aragon và René Char. Gérard đã giúp nàng tìm hiểu kịch của Brecht, và nàng thường theo vợ Gérard đi xem những buổi trình diễn múa hiện đại, nhất là những biên đạo của Martha Graham và Pina Baush. Không phải ngẫu nhiên mà Mân đến với ngành điện ảnh, từ lâu nàng đã sống với nghệ thuật của những Bergman, Antonioni, Tarkovski . Có lần, nghĩ về những sở thích này, tôi nói với Mân:
– Anh chưa gặp một cô Á châu nào có đầu óc và con tim Tây phương đến như Mân. Mân là một bà đầm da vàng.
– Anh sai lầm to . Có người Pháp nào như em, có thể ngồi xổm hàng giờ, thích ăn đủ loại mắm, không chê thịt chó khi có rượu đế Hưng Yên đi kèm. Em còn có thể kể cho anh biết bao nhiêu tên các loại cây cỏ và hoa dại của rừng núi Việt Nam.
Vấn đề hình như phức tạp hơn tôi tuởng. Trước khi gặp tôi, Mân không có cơ hội làm quen với những người Việt ở Pháp. Tôi đã dẫn nàng vào các giới khác nhau trong cộng đồng. Khi đó mới nhận thấy hết sự khác biệt giữa nàng và những người Việt tôi quen ở đây . Những thực tập sinh ở trong nước qua nhìn Mân như một người mất gốc. Nàng chẳng biết gì về văn hóa lịch sử Việt Nam. Nói thích văn học mà thơ Kiều không thuộc được một đoạn, ngày nay một tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp cũng còn chưa đọc. Đã vậy, làm nghề điện ảnh mà mù tịt về phim ảnh Việt Nam. Trong giới người di tản đến đây sau này, có người nói Mân có cái kiêu ngạo của một kẻ chưa bao giờ nếm mùi khổ cực. Cô này chơi trò phụ nữ tự giải phóng theo kiểu thiên tả bơ sữa ở bên này . Hay đi về Việt Nam chẳng qua vì thân Việt cộng. Những người ở Pháp đã lâu thì nghi ngờ Mân là một phụ nữ thích sống thác loạn.