Việt Vương hỏi:
– Thế lối đánh đó ra sao?
Cô gái đáp:
– Lối đánh kiếm đó rất tinh vi mà nhiều biến hoá (thậm vi nhi dịch), ý tứ thì huyền bí mà sâu xa (thậm u nhi thâm). Đường lối có phép tắc, lại bao hàm cả âm dương. Bên kia mở thì bên này đóng, bên này xuống thì bên kia lên (khai môn bế hộ, âm suy dương hưng).
Phàm việc chiến đấu bằng tay, tinh thần bên trong cần phải vững vàng (nội thực tinh thần), dáng vẽ bên ngoài thì cần phải nhàn nhã (ngoại thị an dật), thoạt trông thì hiền lành như đàn bà tử tế mà khi xông lên thì như con hổ gặp nguy (kiến chi tự hảo phụ, đoạt chi tự cụ hổ).
Khi thủ thế thì ngưng khí mà chờ đợi, theo thần mà thay đổi (bố hình hầu khí, dữ thần cụ vãng) theo sát địch thủ như bóng mặt trời, ra tay thì nhanh như thỏ chạy, đuổi theo như hình với ảnh, chập chờn thấp thoáng. Hô hấp tới lui, tránh ra xa ngoài tầm của địch, dùng đúng phép để chặn đường, khi ngang khi dọc, khi thuận khi nghịch, khi chính diện, khi truy kích tất cả đều không có một tiếng động.
Nếu được như thế thì một người có thể chống với trăm người, trăm người có thể chống với vạn người. Nếu đại vương muốn thí nghiệm thì thiếp sẵn sàng làm ngay.
Việt vương mừng rỡ, ban cho thêm một chữ ‘nữ’ nên gọi là Việt Nữ. Lại sai năm đội trưởng giỏi nhất ra học để đem về dạy cho quân sĩ. Thành thử thời đó người ta gọi đó là Kiếm Pháp của Công Chúa nước Việt (Việt Nữ chi kiếm) (Trích nguyên bài Việt Nữ Kiếm từ đâu mà ra của Nguyễn Duy Chính).